Thứ Bảy Tháng Mười Hai 3, 2022
Tại Quảng Nam, ngày 02 tháng 12 năm 2022. Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình ARISE+ tại Việt Nam" (ARISE+ Việt Nam) phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực thực thi hiệu quả Quy tắc xuất xứ (QTXX) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA)” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hình ảnh chụp đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp tại Quảng Nam
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của EU nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA. Sự kiện có sự tham gia và chủ trì phiên làm việc của Bà Đỗ Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng - Cục Xuất nhập khẩu và các chuyên gia xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, buổi hội thảo còn thu hút đông đảo sự quan tâm, trao đổi và ý kiến đóng góp của đại diện Tổng cục Hải quan, hiệp hội các ngành hàng cùng một số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU.
Bà Đỗ Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng - Cục Xuất nhập khẩu phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, bà Hương nhấn mạnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang một ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trên thế giới. Đối với EU, Việt Nam là đối tác đang phát triển đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ FTA với EU, là cầu nối quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Với Việt Nam, EU là đối tác thương mại và đầu tư hết sức quan trọng, là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu. Hội thảo dành phần lớn thời gian để tập huấn, cập nhật về cách hiểu tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, so sánh với GSP và quy trình, thủ tục cấp C/O mẫu EUR.1 nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về QTXX và tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định đem lại. Hội thảo cũng đưa ra các lưu ý cho doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi cũng như các lưu ý để thực hiện EVFTA sau khi GSP hết hiệu lực.
Đồng phát biểu tại hội thảo, ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ Việt Nam đề xuất các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam cần tiếp tục đánh giá thực chất tình hình triển khai EVFTA, cùng làm rõ các khó khăn vướng mắc, từ đó đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao tiêu chuẩn và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan đại diện với các hiệp hội và doanh nghiệp. Ông Bernhardt cũng bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ kĩ thuật từ EU, thông qua dự án ARISE+ Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý và hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến và đồng hành cùng doanh nghiệp tận dụng hiệu quả lợi ích của hiệp định EVFTA, hướng tới triển khai chiến lược hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới.
Ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ Việt Nam phát biểu chào mừng
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục Hải quan còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích và thực tế. Các đại biểu tham dự đánh giá cao việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa thiết thực với các hiệp hội và doanh nghiệp, coi đây là cơ hội tốt để nắm bắt thông tin, chia sẻ khó khăn và nêu đề xuất. Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý và dự án tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự để doanh nghiệp được kịp thời cập nhật và có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU.
Đầu mối báo chí: Hoàng Quyền, quyen_vu@dai.com
*
📍 Để tải tài liệu hội thảo, vui lòng truy cập: https://bit.ly/FTA1-2_Documents
📍 Để theo dõi lại buổi hội thảo, vui lòng theo dõi tại Fanpage dự án https://www.facebook.com/ariseplusvietnam/
***
Một số hình ảnh về buổi hội thảo:
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chuyên gia dự án thuyết trình và so sánh QTXX trong EVFTA và GSP
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK cập nhật quy định xuất xứ trong EVFTA
Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý XNK, khu vực TP. Hồ Chí Minh trình bày hướng dẫn về quy trình đề nghị cấp C/O theo mẫu EUR.1